Viêm khớp phản ứng, chữa thế nào?

Tôi 42 tuổi, vừa rồi bị đau và sưng các khớp, sốt và giảm cân… Tôi đi khám ở phòng khám gần nhà thì được chẩn đoán là viêm khớp phản ứng và khuyên tôi đến khoa cơ xương khớp. Xin cho biết đây là bệnh gì và phải dùng thuốc như thế nào để hết bệnh?

Phí Quang Tâm (Thái Bình)

Đầu tiên, bạn nên làm theo lời khuyên của bác sĩ gần nhà là đi khám bệnh đúng chuyên khoa để được khám và chẩn đoán bệnh cũng như có được phác đồ điều trị đúng nhất.

Tuy nhiên, chúng tôi có thể cung cấp kiến thức chung về bệnh viêm khớp phản ứng như sau: Đây là một bệnh lý không thường gặp trong nhóm bệnh lý cột sống, gây đau và sưng ở các khớp. Chứng viêm khớp này cũng gây ra tình trạng nổi mẩn đỏ, sốt, giảm cân, bệnh lý ở tim, đỏ mắt, giảm thị lực và đau nhức mình mẩy. Bệnh có thể phát triển phản ứng với nhiễm khuẩn từ một phần khác của cơ thể như bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, sinh dục hoặc đường tiết niệu. Thường do một số loại vi khuẩn như: Chlamydia, Salmonella, Shigella, Yersinia, Campylobacter. Bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, từ 20-40 tuổi.

Về điều trị, trước hết là để làm giảm các triệu chứng khó chịu và điều trị bệnh nhiễm khuẩn gây nên viêm khớp phản ứng.

Đối với các thuốc điều trị triệu chứng và viêm khớp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs). Thuốc nhóm NSAIDs có thể làm giảm viêm và đau của bệnh, các thuốc thường được sử dụng là ibuprofen, naproxen và aspirin. Nhóm thuốc corticosteroid được sử dụng nhằm ngăn chặn viêm bằng cách tiêm trực tiếp vào khớp bị viêm. Tuy nhiên, liệu pháp này phải được chỉ định, thực hiện và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp. Tuyệt đối không được tiêm thuốc này tại nhà hoặc do người không có chuyên môn sâu thực hiện. Ngoài ra, ở một số trường hợp cụ thể, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc việc sử dụng thuốc chẹn TNF (TNF là một protein tế bào hoạt động như một tác nhân gây viêm trong viêm khớp dạng thấp), chẳng hạn như etanercepx và infliximab, để làm giảm viêm và giảm đau và cứng khớp cho một số người bị viêm khớp phản ứng.

Biện pháp vật lý trị liệu, tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ cũng giúp cải thiện chức năng khớp. Tùy từng bệnh nhân sẽ có bài tập cụ thể, phù hợp.

TS. Bùi Hải